Những bức tượng khổng lồ 3.000 năm tuổi ở các nghĩa trang của Sardinia

Share this Post:

Vietlib Hàng chục bức tượng đá khổng lồ được chế tác từ thời kỳ đồ sắt, nằm rải rác ở các cánh đồng ở Mont'e Prama - nước Ý. Chúng đang hé lộ về một nền văn hóa Địa Trung Hải đã mất

Sardinia là một hòn đảo lớn của Ý nằm giữa bán đảo Ý và Iberia, nó đóng vai trò quan trọng trong thương mại Địa Trung Hải. Mùa xuân năm 1974, khi đang cày ruộng, những người nông dân ở Sardinia đã phát hiện một tảng đá lớn, nhưng khi đào sâu hơn và xem xét kỹ, họ đã phát hiện đây là một cái đầu bằng đá. Khám phá của họ đã hé lộ những dấu tích về thời đại đồ sắt quan trọng nhất từng được tìm thấy ở phía Tây Địa Trung Hải.

Khối đá vôi được khai quật tại Mont’e Prama, trên bờ biển phía Tây trù phú của hòn đảo. Đây là mảnh vỡ đầu tiên trong số hàng nghìn mảnh vỡ được các nhà khảo cổ phát hiện trong nhiều thập kỷ sau đó. Những mảnh vỡ này sau đó đã được ghép lại thành hàng chục bức tượng khổng lồ.

Những pho tượng đá được chạm khắc từ những khối đá vôi đơn lẻ, trong đó có những pho tượng cao gần bảy feet. Chúng có những đặc điểm cách điệu cao, ví dụ như khuôn mặt hình tam giác, lông mày và mũi hình chữ T. Đặc điểm nổi bật nhất là đôi mắt: Chúng được biểu thị bằng những vòng tròn đồng tâm lớn nhìn thẳng về phía trước. Một số pho tượng cầm khiên, số khác khác cầm cung. Dựa trên những đặc điểm này, các nhà nghiên cứu đã nhóm các bức tượng Mont’e Prama thành ba loại chính: Cung thủ, Võ sĩ và Chiến binh.

Mặc dù các nhà sử học vẫn đang phân vân ý nghĩa thực sự của những bức tượng Mont’e Prama, nhưng đều thống nhất là chúng có ý nghĩa đoàn kết cộng đồng cổ đại thông qua một biểu tượng mạnh mẽ. Chúng thể hiện một nền văn hóa thời đại đồ sắt thịnh vượng cách đây gần 3.000 năm trước khi bị xâm lược từ bên ngoài.

Tác giả là ai ?

Khi những phiến đá Mont’e Prama lần đầu tiên được phát hiện, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng là một phần của một ngôi đền của nền văn minh Carthaginian. Người Carthage ở Bắc Phi đã chinh phục hòn đảo Sardinia vào những năm 500 trước Công nguyên.

Ngoài việc tìm thấy hàng nghìn mảnh vỡ của bức tượng, cuộc khai quật tại Mont’e Prama vào năm 1977-1979 đã phát hiện ra 30 ngôi mộ từ nghĩa địa Nuragic cổ đại. Được bao phủ bởi những phiến đá sa thạch, những ngôi mộ hình trụ này chôn cả nam và nữ, tất cả đều được chôn ở tư thế ngồi và quỳ.

Ngôi mộ từ nghĩa địa Nuragic cổ đại

Tuy nhiên, sau những nghiên cứu kỹ hơn, các nhà khảo cổ nhận ra rằng những mảnh đá đã có từ rất lâu trước khi người Carthage đến đây. Sau khi kiểm tra các mảnh vỡ, Giovanni Lilliu - người được coi là cha đẻ của ngành khảo cổ học Sardinia đã kết luận rằng chúng có chung đặc điểm với các bức tượng bằng đồng do nền văn minh Nuragic của Sardinia tạo ra.

Phát triển rực rỡ vào giữa thế kỷ 18 và thế kỷ 8 trước Công nguyên, nền văn hóa Nuragic nổi tiếng với khả năng chế tác kim loại và đồ đá. Trên khắp hòn đảo, người Nuragic đã xây dựng các công trình bằng đá đặc biệt, được gọi là Nuraghi. Ngày nay, còn khoảng hơn 6.000 dấu tích Nuraghi còn tồn tại trên hòn đảo - một con số đáng kinh ngạc trên một vùng lãnh thổ có diện tích chỉ hơn 9.000 dặm vuông (gần bằng diện tích của bang New Hampshire của Hoa Kỳ).

Các công trình Nuraghi thường có một tòa tháp chứa một buồng hình tròn, những cấu trúc này chỉ được tìm thấy ở Sardinia. Chức năng chính xác của chúng đến nay vẫn là một bí ẩn. Một số giả thuyết cho rằng chúng được sử dụng làm pháo đài, nhà ở, cung điện và thậm chí có thể là sự kết hợp của cả ba. Việc xây dựng mới các công trình Nuraghi đã ngừng vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên, nhưng các công trình vẫn còn được sử dụng trong nhiều thế kỷ.

Các công trình Nuraghe ở Palmavera (thế kỷ 15 đến thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên) là một ví dụ đặc biệt của các công trình cự thạch mà nền văn minh Nuragic xây dựng trên khắp đảo Sardinia vào Hậu thời đại đồ đồng.

Một thời gian sau khi tạo ra những bức tượng người khổng lồ, hệ thống người Nuragic bắt đầu suy yếu và suy tàn. Cả người Hy Lạp và người Phoenicia đều tranh giành tài nguyên khoáng sản phong phú của hòn đảo, người Phoenicia cuối cùng đã giành được ưu thế. Sau đó, người Carthage từ Bắc Phi xâm chiếm hòn đảo này.

Ở giai đoạn sau khi nền văn hóa Nuragic suy tàn, những bức tượng người khổng lồ dường như đã bị phá hủy. Các nhà nghiên cứu tin rằng người Phoenicia hoặc Carthaginian đã làm điều đó nhằm mục đích cai trị hòn đảo bằng cách phá hủy giá trị văn hóa cũ.

Những bức tượng khổng lồ ở Mont'e Prama

Các bức tượng khổng lồ của Sardinia được các nhà khảo cổ học ttìm thấy từ năm 2007 đến năm 2011 thuộc ba nhóm chính: Võ sĩ, Cung thủ và Chiến binh. Đến nay các bức tượng đều bị hư hại, nhưng các nhà khảo cổ học tin rằng các tác phẩm điêu khắc đều các đặc điểm chung của từng nhóm.

Các bức tượng Võ sĩ được tìm nhiều nhất, chúng có ngực trần và thấp bé. Mỗi bức tượng đều cầm một chiếc khiên cao trên đầu. Các nhà khảo cổ học đã thu thập được những mảnh vỡ của một chiếc găng tay chiến đấu bên phải. Mắt của các bức tượng là 2 vòng tròn đồng tâm. Các nhà sử học giả thuyết rằng những bức tượng này là các võ sĩ giác đấu, những người có thể đã đóng vai trò trong tôn giáo, hoặc thậm chí là linh mục. Một số ít tượng chiến binh được tìm thấy trong tình trạng gần như bị phá hủy. Các Võ sĩ đội mũ có một mào ở chính giữa và hai sừng trên đỉnh.

Các bức tượng Cung thủ được chạm khắc với hình tượng cánh tay phải giơ lên ​​cao, tay trái đeo chiếc găng tay và vai đeo cầm cung tên. Tóc tết dài xõa xuống, đến nay vẫn chưa có chiếc đầu Cung thủ được bảo quản nguyên vẹn, tuy nhiên các nhà nghiên cứu tin rằng chúng cũng có những đặc điểm trên khuôn mặt giống như các Chiến binh.

Một số bức tượng Mont’e Prama được phục chế ở Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia ở thủ đô Cagliari của Sardinia

Chiếc khiên bằng đá được phục chế từ 23 mảnh vỡ

Được đặt biệt danh là Prexiau (“người quý giá”), bức tượng có những bím tóc nặng nề, điểm chung với các nhân vật cung thủ khác

Có biệt danh là Fastigiadu (“người được ngưỡng mộ”), bức tượng này bao gồm 49 mảnh ghép được ghép lại

Một công việc khổng lồ

Các cuộc khai quật trong suốt những năm 1970 đã xác nhận Mont’e Prama từng có một khu nghĩa địa Nuragic cổ đại. Những ngôi mộ sớm nhất có niên đại vào thế kỷ 11 trước Công nguyên. Ngoài rất nhiều mảnh vỡ của bức tượng, các nhà khảo cổ học còn phát hiện ra các mô hình đá Nuraghi thu nhỏ.

Những phát hiện từ các cuộc khai quật tiếp theo tại Mont’e Prama chỉ ra rằng những bức tượng khổng lồ bằng đá được điêu khắc vào khoảng giữa thế kỷ thứ 10 và thứ 8 trước Công nguyên, vào cuối thời kỳ đỉnh cao Nuragic trong thời kỳ đồ sắt muộn.

Ngoài các bức tượng khổng lồ, các mô hình thu nhỏ Nuraghi cũng được tìm thấy tại Mont’e Prama

Vào năm 2007, công việc phục dựng các bức tượng bằng đá bắt đầu. Đến năm 2011, các chuyên gia đã cố gắng ráp các mảnh đá lại thành 24 bức tượng, trong đó có nhiều bức tượng chưa hoàn thiện. Ngày nay, những kiệt tác thời đại đồ sắt này có thể được tham quan tại Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia ở thủ đô Cagliari của Sardinia và tại Bảo tàng Hành chính Giovanni Marongiu ở Cabras, nằm gần địa điểm Mont’e Prama.

Vào năm 2015, ba bức tượng khác đã được khôi phục, bao gồm hai cung thủ được tìm thấy tại Mont’e Prama vào năm trước đó. Phong cách của những bức tượng này khác biệt rõ rệt so với những bức tượng được tìm thấy trước đây. Ngoài các bức tượng, nhóm nghiên cứu cũng đang khôi phục nhiều mô hình Nuraghi.

Những câu hỏi lớn cần giải đáp 

Tại sao người Nuragic lại dựng lên những hình tượng này, và chúng được sắp xếp như thế nào tại địa điểm này vẫn khiến các chuyên gia băn khoăn sau gần 3.000 năm. Một số người cho rằng những bức tượng này đại diện cho quân đội Nuragic và giới chức tôn giáo, những người có lẽ được chôn cất tại nghĩa địa.

Một giả thuyết khác cho rằng các bức tượng nhằm đại diện cho các nhân vật anh hùng trong quá khứ Nuragic.

Nguồn: National Geographic

Hãy đăng nhập để bình luận