Thực hư xác ướp "Người cá" Enjuin ở Nhật Bản

Share this Post:

Vietlib Các nhà khoa học Nhật Bản hiện đang nghiên cứu một sinh vật kỳ dị trong một ngôi đền Nhật Bản. Nhiều người cho rằng đó là xác ướp của một "Người cá", nhưng nhiều nhà nghiên cứu dân gian cho rằng đó chỉ là một sản phẩm tôn giáo.

Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, Người cá, hay là các Ningyo, một số nơi còn gọi là Gyojin, Hangyojin khác xa với hình tượng Người cá trong thần thoại phương Tây. Các Ningyo được miêu tả không theo một chuẩn mực định nào, thậm chí hình dạng của chúng cũng đổi thay theo từng khu vực, từng nền văn hoá khác nhau trên mảnh đất Nhật Bản.

Trong thần thoại Nhật Bản, nàng tiên cá gắn liền với sự bất tử. Câu chuyện thần thoại kể rằng, một ngư dân ở tỉnh Wakasa đã bắt được một con cá lạ và con gái của ông đã sống đến 800 tuổi. Ningyo được mô tả với ngoại hình gồm phần thân trên của một con khỉ và phần dưới là đuôi cá. Cơ thể bao gồm vảy cá và lông thú xếp chồng chéo lên nhau, ngực sệ, gương mặt thô kệch để lộ bộ răng nanh cực hung tợn. Người cá có thể mang lại sự trường thọ cho những ai ăn thịt nó. Nhưng hành động săn bắt Ningyo sẽ mang lại tai ương và những điều xui xẻo.

Sự tích Nhật Bản cũng nhắc tới một loại Người Cá có ngoại hình khác so với Người cá trong thần thoại phương Tây. Theo như truyền thuyết tại một số địa phương ở Nhật Bản, Ningyo thực chất còn không có phần ngực và bụng của loài linh trưởng; chúng chỉ đơn giản là sở hữu phần đầu người (hoặc đầu vượn) được gắn vào phần thân của một con cá mà thôi.

Câu chuyện về xác ướp Người cá

Các nhà khoa học Nhật Bản gần đây đã phát hiện một xác ướp 300 tuổi của một sinh vật lạ. Sinh vật lạ này dài khoảng 30,48 cm bị bắt trong khoảng thời gian từ năm 1736 đến năm 1741 ở Thái Bình Dương, ngoài khơi đảo Shikoku của Nhật Bản. Hiện nó được lưu giữ trong ngôi đền Enjuin ở thành phố Asakuchi. Sinh vật này có nửa trên là một cái đầu đầy lông với khuôn mặt vặn vẹo và những chiếc răng nhọn, nhưng hai tay của nó lại cuốn quanh phần thân dưới giống cá. Thầy tu Kozen Kuida ở đền Enjuin cho biết sinh vật kỳ lạ này được trưng bày trong tủ kính từ khoảng 40 năm trước và hiện được cất giữ bên trong một két sắt chống cháy.

Theo một văn tự có niên đại từ năm 1903: Một ngư dân đã bắt được một sinh vật được cho là “Người cá” bị mắc vào lưới đánh bắt cá ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Kochi. Sinh vật này được tìm thấy cùng với sinh vật được ướp xác trong ngôi đền Enjuin ở Asakuchi. Một số ngư dân tin vào truyền thuyết đã từng ăn vảy của xác ướp nàng tiên cá để mong được trường thọ.

Để hiểu thêm về nguồn gốc của sinh vật này, một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Khoa học và Nghệ thuật Kurashiki, một trường đại học tư nhân ở Kurashiki, Okayama, Nhật Bản, gần đây đã quét CT toàn bộ sinh vật. Giáo sư Hiroshi Kinoshita thuộc Hiệp hội Văn hóa Dân gian Okayama cho rằng "sinh vật kỳ lạ có thể là một sản phẩm mang ý nghĩa tôn giáo”. Ông cho rằng sinh vật này được tạo ra trong thời kỳ Edo của Nhật Bản từ năm 1603 đến năm 1867, từ các bộ phận khác nhau của “động vật sống”. Việc quét CT và xét nghiệm DNA có thể cho chúng ta biết sinh vật này thực sự là gì.

Các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu xác ướp Người cá sẽ công bố phát hiện của họ vào cuối năm nay, nhưng dự kiến ​​thành phần hữu cơ sẽ tương tự như “Người cá” được trưng bày vào giữa thế kỷ 19 tại Bảo tàng Mỹ ở New York. Sinh vật này cũng được cho là bị đánh bắt ngoài khơi bờ biển Fiji, và sau đó bị các thủy thủ Nhật Bản bán sang Mỹ, sau đó nó đã được khâu nửa phần đầu và thân của một con khỉ.

Hãy đăng nhập để bình luận